Trống Đồng Đông Sơn – Tinh Hoa Dân Tộc
Trống đồng Đông Sơn – Tinh hoa dân tộc
Thanh Hóa ngày nay, vùng đất Cửu Chân xưa với lưu vực sông Mã là một trong những trung tâm thời đại kim khí, địa bàn trọng yếu của Quốc gia Văn Lang – Âu Lạc thời các vua Hùng, là một trong những trung tâm quan trọng trong việc chế tạo, sử dụng, giao lưu, trao đổi trống đồng cổ của Việt Nam.
Lưu vực sông Mã là nơi phát hiện, sớm khai quật di tích văn hoá Đông Sơn phân bố dày đặc từ đồng bằng, trung du đến miền núi Thanh Hóa (trên 100 địa điểm). Đây cũng là nơi sưu tầm được trống loại I Heger, được mệnh danh là trống Đông Sơn. Trống Đông Sơn phát hiện ở Thanh Hoá nhiều nhất so với các địa phương trên toàn quốc (trên 60 trống) loạiI Heger. Thanh Hoá còn là nơi tìm thấy 26 trống loại II Heger tính đến năm 1999 (sau tỉnh Hoà Bình). Và là nơi có 2 di tích thờ trống đồng cổ làm thành hoàng. Nghệ thuật trống Đông Sơn ở Thanh Hoá không tách rời nghệ thuật Đông Sơn nói chung và nghệ thuật trống đồng ở Việt Nam nói riêng. Nền nghệ thuật ấy có cội nguồn từ nghệ thuật tạo hoa văn trên đồ gốm Tiền Đông Sơn. Và có sự thống nhất, ổn định ở chính địa bàn Thanh Hoá.
Ngoài những nét chung, nghệ thuật trống Đông Sơn Thanh Hoá có những nét riêng. Về hình dáng, dòng trống lưng thẳng không chỉ ổn định trên trống Đông Sơn ở Thanh Hoá giai đoạn sớm. Mà còn xuyên suốt các loại trống muộn sau này, nhất là những trống loại II Heger ở Thanh Hoá. Tỷ lệ giữa chiều cao và đường kính mặt của trống Đông Sơn ở Thanh Hoá chưa ổn định.
Tư liệu đã khảo sát cho thấy, người Việt cổ ở Thanh Hoá có xu thế muốn mở rộng bề mặt trống, tạo nên dáng trống thấp bè. Điều này về mặt nghệ thuật người Việt cổ đã khắc phục bằng cách tạo cho mặt trống chờm ra khỏi tang dung hoà được hai yêu cầu về mỹ thuật và âm nhạc. Dưới góc độ nghệ thuật trang trí, ngoài những nét chung so với những trống cùng loại phát triển ở nước ta, trống đồng Thanh Hóa có một số nét riêng độc đáo.
Như chúng ta đều biết, những mô típ trang trí chủ đạo của trống loại I Heger là hình người hoá trang lông chim, hình thuyền, nhà sàn, những vòng tròn có tiếp tuyến và tượng động vật. Những mô típ đó được trang trí trên trống Đông Sơn Thanh Hoá nhưng có nét riêng dễ nhận biết. Hình tượng con thuyền trên trống Đông Sơn ở Thanh Hóa, nhìn chung được khái quát cao. Thuyền có dáng cánh cung, gần với dáng thuyền “thúng” được đan bằng tre nứa, có chiều dài chỉ gấp 2 lần chiều cao.
Trong khi đó, trống Đông Sơn ở các nơi khác có hình thuyền thuôn dài, gợi lại thuyền đua bơi chải, tỷ lệ chiều dài thường gấp 4 đến 8 lần chiều cao. Thuyền được hoá trang hình lông chim là một đặc điểm của trống loại I Heger Thanh Hoá. Ở đây, đầu chim có mỏ dài được trang trí không chỉ đầu thuyền, đuôi thuyền mà cả bánh lái.
Điểm đặc thù nữa là trên thuyền không có mái chèo như các thuyền trên các trống khác. Trang trí đầu chim mỏ dài trên bánh lái thuyền và sự thiếu vắng mái chèo là nét riêng biệt của trống Thanh Hoá.
Người trên thuyền được hoá trang lông chim là đặc điểm chung của trống loại I Heger, song trên trống Thanh Hoá số lượng người trên một thuyền không đông, thường chỉ có 2 người; trong khi đó trống loại I ở các nơi khác số lượng người khá đông, thường là 5 hoặc 7 người, thậm chí đông hơn. Bố cục người trên thuyền ở trống Thanh Hoá cũng có nét riêng đáng ghi nhận.Do số người ít (2 người) và trên thuyền không mái chèo, nên thường bố cục một người đứng ở mũi và một người đứng ở cuối thuyền, mặt hướng về phía trước (mũi thuyền) và cùng nâng một cái “neo”.
Bên cạnh đặc điểm riêng : thuyền hình cánh cung, không mái chèo, bánh lái trang trí đầu chim, người trên rùa trên trống Cẩm Quý, con khỉ trên trống Thạch Thành và đặc biệt hơn cả là chim thiên nga trên trống Hoằng Phụ và con trâu trên trống Vĩnh Hùng phát hiện mới đây. Hình tượng chim thiên nga và con trâu trên cặp trống này chưa hề gặp trên trống đồng phát hiện ở nước ta trước đây. Thân trống Hoằng Phụ (Hoằng Hoá) có 4 vành hoa văn : 2 vành hoa văn hình chim xen 2 vành hoa văn đường tròn có chấm giữa.
Đáng chú ý là hình chim khắc trên trống đồng.Mỗi vành có 4 chim, 2 chim đầu quay lên, 2 chim đầu quay xuống, giãn cách giữa các chim không đều nhau. Chim đầu quay lên mỏ hướng thuận chiều kim đồng hồ, còn chim đầu quay xuống mỏ ướng ngược chiều kim đồng hồ.
Khác với hình chim Lạc thường thấy trên trống Đông Sơn (mỏ dài và nhọn, cổ dài và vươn thẳng, cánh sải rộng và gần vuông góc với thân, chân cao và gấp khúc), chim trên trống Hoằng Phụ mỏ ngắn, cổ cong, hai cánh xoè cong sải về 2 phía, đuôi và lông chim tả thực.
Điểm đáng chú ý là hình chim thiên nga ở đây được diễn tả trong tư thế đang hạ cánh xuống mặt nước. Nghệ nhân xưa đã quan sát khá tinh tế đối tượng miêu tả bằng những nét đơn giản mang tính khái quát cao, bố cục chặt chẽ giữa chim và mặt nước, cánh chim khép hờ dần dần hạ mình xuống, chân ở tư thế chạm nhẹ vào mặt nước gợn sóng, vài tia nước bắn lên. Hình ảnh chim thiên nga sà mặt nước gợi cho người xem cảm giác ấm cúng, thanh bình của đồng quê vùng sông nước.
Trống Vĩnh Hùng (huyện Vĩnh Lộc) thân cao 25,5 cm; đường kính mặt 40cm; đường kính đáy 45cm. Mặt trống không chờm khỏi tang, không có tượng. Tang trống có 3 vành hoa văn (từ trên xuống) : vành 1 hoa văn đường tròn có chấm giữa không tiếp tuyến, vành 2 hoa văn tam giác nhọn đứng, vành 3 và 4 là hoa văn khắc 4 hình thuyền (trên thuyền có người và con trâu). Thân trống có 3 vành hoa văn : vành 1 khắc 8 hình con trâu, vành 2 hoa văn vòng tròn chấm giữa và vành 3 là hoa văn tam giác nhọn đứng. Chân trống không hoa văn. Về loại hình, trống Vĩnh Hùng có thể thuộc loại I Heger nhưng muộn, nếu không phải là loại trung gian I – II Heger.
Đặc biệt là bố cục trâu trên thuyền ở phần tang và con trâu trang trí độc lập ở thân trống. Cả 4 thuyền khắc rất mảnh, mũi thuyền hướng ngược chiều kim đồng hồ, đầu, đuôi và bánh lái trang trí đầu chim có mắt. Trên thuyền có 1 người và 1 con trâu. Người ngồi nghiêng, mặt hướng mũi thuyền, 2 chân dạng, 2 tay nâng vật gì đó trang trí hình lông chim, người trang trí lông chim, do gió thổi nên những lông chim này bay hất về phía sau, để lộ cơ thể người cường tráng. Sau người là 1 con trâu trong tư thế đứng; đầu to mập, 2 sừng lớn cong thuôn nhỏ dần và cụp đều vào phía trong; mắt trâu mở to, không động tử; cổ ngắn dày, có ú nổi ở vai, dưới cổ có yếm sệ; bụng to tròn hơi sa, đuôi to có lông bay về phía sau. Tám con trâu ở phần thân cũng có nét tương tự như vậy nhưng kích cỡ to hơn. Bố cục thuyền, người và trâu khá chặt chẽ. Sử dụng chiều bay của lông chim hoá trang trên người và lông đuôi trâu để diễn tả thuyền đang lướt sóng. Hình tượng con trâu được khắc tạc thành công. Đó là con nghé cái đang tuổi dậy thì chuyển thành trâu. thuyền ít, trên trống Thanh Hoá đã xuất hiện mới nghệ thuật trang trí tượng vịt thay cho vị trí tượng cóc.
Đó là trường hợp 4 khối tượng vịt trên mặt trống Cẩm Giang. Những nét riêng trong thuật trang trí trống loại II ở Thanh Hoá có thể nêu ra một số điểm chính sau đây : Một là sự xuất hiện đồng thời tượng cóc và tượng voi trên một mặt trống (như trường hợp trống Phùng Giáo); hai là xuất hiện hoa văn khắc các động vật như hình con .Theo kinh nghiệm dân gian, trâu cái ở tuổi dậy thì thường có u nổi ở vai, cổ ngắn lại, bụng hơi sệ. Hình tượng con vật này hoàn toàn khác với loại bò u được khắc trên trống đồng Đồi Ro. Đối với nhà nông, nghé chuyển thành trâu là hết sức quan trọng, bởi đây là thời kỳ bắt đầu sử dụng chúng có hiệu quả cao vào sức kéo, bắt đầu thời kỳ sinh sản. Phải chăng đó là điểm chốt của con vật “đầu cơ nghiệp” của cư dân văn hoá Đông Sơn. Hình tượng người và trâu trên thuyền đang lướt sóng ở trống Vĩnh Hùng còn có ý nghĩa gợi lên sự giao lưu trao đổi con vật này giữa các vùng bằng đường thuỷ trong quốc gia Văn Lang, thậm chí rộng hơn, xa hơn.
Nhìn chung, trống đồng Thanh Hoá có nét đặc thù, độc đáo, thường là tả thực, dễ nhận biết nhất là giai đoạn muộn. Mối liên kết giữa các giai đoạn trong dòng phát triển trống Đông Sơn thường biểu hiện rõ qua các hoạ tiết hoa văn hình học, còn các đồ án hoa văn chủ đạo vừa nêu thường có những đột biến, nhảy vọt.
Trống Đông Sơn là sản phẩm của văn hoá Đông Sơn, một biểu hiện sinh động tài năng, trí sáng tạo và trình độ phát triển cao của tổ tiên chúng ta thời dựng nước. Dưới góc độ văn hoá truyền thống, nghệ thuật trang trí trên trống đồng cổ Đông Sơn đã tiếp thu có chọn lọc từ nhiều thế hệ trước đó. Trong sự phát triển của văn hoá Việt Nam, người ta có thể nhận ra những yếu tố truyền thống tiếp thu từ nghệ thuật trống đồng. Nếu như nhà dân tộc học đã nhận ra những mô típ hoa văn trống Đông Sơn trên cạp váy Mường, thì nhà nghiên cứu tôn giáo cũng nhận ra sự ảnh hưởng qua lại giữa nghệ thuật Phật giáo với phong cách trang trí trống loại II. Giới mỹ thuật Việt Nam đương đại cũng đã từng tiếp thu một số yếu tố trên trống Đông Sơn làm phong phú thêm nghệ thuật dân tộc.
Trống đồng Đông Sơn thời hiện đại
Các mẫu trống đồng thời nay có mẫu mã vô cùng đa dạng
Nghệ thuật trống đồng cổ là sản phẩm của một tộc người nhất định, phân bố trên địa bàn nhất định và tồn tại trong một thời gian nhất định. 60 trống loại I và 26 trống loại II phát hiện ở Thanh Hoá là của người Việt cổ, phân bố ở địa bàn Thanh Hoá và tồn tại hàng nghìn năm. Nghệ thuật trống đồng xứ Thanh trong tâm thức người Việt cổ ít biến động trong không gian, nhưng luôn biến đổi theo thời gian. Khảo sát nghệ thuật trống đồng Thanh Hoá mang tính địa phương của một vùng phân bố đậm đặc di tích văn hoá Đông Sơn. Đặt trống đồng cổ loại I và loại II trong thời gian của nó, chúng ta có thể lý giải sự biến đổi mang tính lịch sử. Qua nghìn năm Bắc thuộc, rồi chung tay xây dựng quốc gia độc lập, tự chủ càng chứng tỏ sự trường tồn của một nền văn hoá.
Dưới góc độ bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật trống đồng văn hoá dân tộc đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết, cả yếu tố truyền thống lẫn tình cảm. Trong cơn sốt nguyên liệu đồng, nhiều người đã sử dụng máy dò kim loại để săn tìm trống đồng còn trong lòng đất, cùng với nó là việc mua bán đồ cổ, nhiều trống đồng đã bị phá huỷ hoặc thất thoát. Một số tư nhân hiện đang lưu giữ trống đồng, đòi hỏi quá cao khiến cho việc sưu tầm, nghiên cứu và quản lý trống đồng trở nên khó khăn. Nhiều nơi xuất hiện trống đồng giả, tình trạng buôn bán, trao đổi trống đồng vẫn diễn ra. Nhằm bảo vệ di sản trống đồng, cần tiến hành tổng kiểm kê, lập hồ sơ trống đồng trên toàn quốc.
Đây là cách tốt nhất để quản lý trống đồng đã biết.
Xã hội hóa, dành kinh phí thỏa đáng để truy thu những trống hiện còn trong nhân dân. Trường hợp nơi nào còn, có nhu cầu sử dụng trống đồng cần khôi phục, tổ chức lễ hội trống đồng cùng các hoạt động kèm theo. Đi liền với bảo vệ là phát huy di sản trống đồng. Năm 1998, trống Đông Sơn đã được Chủ tịch nước Trần Đức Lương trân trọng đặt tại trụ sở Liên Hiệp quốc. Qua đó giới thiệu, quảng bá với nhân dân thế giới nét đặc sắc văn hoá cổ truyền Việt Nam , đóng góp chung vào kho tàng văn hoá nhân loại. Nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật trang trí trống đồng Đông Sơn tự nó toát lên cái đẹp, sự kết tinh rực rỡ văn hóa dân tộc.
Nhiều thế hệ người Việt Nam đã tìm cách khai thác, phát huy giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật Đông Sơn. Chúng ta đã thấy biểu tượng mặt trống đồng trên màn hình VTV1; trên bìa các trang sách của Nhà xuất bản Thế giới, trên những phù hiệu của ngành hàng không, du lịch Việt Nam, trên những mô hình xây dựng lớn và cả trên văn bằng tiến sĩ khoa học của Việt Nam. Đặc biệt, trống đồng còn được người Mường, người Lô Lô và một số dân tộc khác lưu giữ và sử dụng như một di sản văn hoá đặc sắc của tộc người mình.
Thiết nghĩ, sức sống lâu bền của trống đồng không chỉ là tâm thức mà là ở việc khai thác, sử dụng trống trong cộng đồng người Việt hôm nay. Riêng Thanh Hoá, chúng ta cần khôi phục, phát triển nghề đúc đồng tại làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá. Gần đây (2006), Hội cổ vật Thanh Hoa phối hợp với các nghệ nhân đúc đồng xã Thiệu Trung đã mở hội thi đúc trống đồng tại Thanh Hóa và tỉnh Thái Nguyên đã có kết quả nhất định. Các trống đúc ra theo hai phương pháp cổ truyền là đổ đồng từ lưng trống và đổ đồng từ ngôi sao trên mặt trống. Hai phương pháp đúc trống đồng đều đạt kết quả khá , song phương pháp đúc trống đổ đồng từ lưng trống khả quan hơn, nguyên vẹn, tạo vẻ đẹp nguyên dáng, thanh thoát như trống đồng cổ xưa nhưng phân tích âm thanh thì thế hệ hậu sinh còn thua xa tiền bối.
Vậy nên tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu về nghệ thuật đúc đồng Đông Sơn. Xây dựng thí điểm mô hình khu công nghiệp-làng nghề đạt tiêu chuẩn về môi trường, kết hợp được cả hai yếu tố làng và nghề (vừa sản xuất – kinh doanh – vừa có dân cư sinh sống nhưng xa nơi sản xuất).Việc xây dựng làng nghề truyền thống tập trung trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết. Mục tiêu cơ bản là góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đi đôi với việc giải quyết các vấn đề xã hội. Phát triển ngành nghề thủ công, đòi hỏi phải mở rộng không gian áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, tạo mặt bằng ổn định để phát triển sản xuất, chống ô nhiễm môi trường sinh thái.Vấn đề đặt ra khi đưa làng nghề vào sản xuất tập trung là Nhà nước không nên đầu tư diện rộng như các khu công nghiệp mà cần đầu tư chiều sâu cho khu công nghiệp-làng nghề, như xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, ban hành, hoàn thiện cơ chế, chính sách kích cầu …
Bởi lẽ, làng nghề truyền thống tập trung dưới hình thức khu công nghiệp làng nghề là một mô hình tổ chức sản xuất còn mới mẻ, cần thực thi nhiều giải pháp đồng bộ cùng sự quan tâm, nỗ lực từ nhiều phía. Đó là cơ sở, nền tảng để nghệ thuật trống đồng, nghề đúc đồng Đông Sơn trường tồn cùng thời gian.
Theo Tiến sĩ Đỗ Chung
Do Dong Le Gia
Do Dong Le Gia
Thanh Hóa ngày nay, vùng đất Cửu Chân xưa với lưu vực sông Mã là một trong những trung tâm thời đại kim khí, địa bàn trọng yếu của Quốc gia Văn Lang – Âu Lạc thời các vua Hùng, là một trong những trung tâm quan trọng trong việc chế tạo, sử dụng, giao lưu, trao đổi trống đồng cổ của Việt Nam.
Do Dong Le Gia
Quả đồi trồng chè cao hơn khoảng 10 m so với mặt ruộng xung quanh, khi đó thuộc đội 3, hợp tác xã Quảng Lễ, xã Quảng Chính, huyện Đầm Hà nay là xã Quảng Chính, huyện Hải Hà. Trống được tìm thấy ở độ sâu 50 cm, không chôn kèm hiện vật khác.
Do Dong Le Gia
Nghề đúc đồng truyền thống ở Việt Nam đã có từ bao đời nay. Thời Vua Hùng dựng nước đã có các khí vật được đúc bằng đồng như mũi tên, ngọn giáo. Đến ngày này nước ta vẫn còn duy trì được nhiều làng nghề đúc đồng truyền thống mộc mạc, hấp dẫn du khách đến tham quan du lịch, khám phá nét văn hóa nghề hấp dẫn. Dưới đây là top 7 làng nghề đúc đồng ở Việt Nam có tiếng.
Do Dong Le Gia