Trang chủ / Bạn quan tâm / Tin tức chung / Văn hóa Đông Sơn: Vẫn đợi không gian riêng
Tin tức chung

Văn Hóa Đông Sơn: Vẫn Đợi Không Gian Riêng

Thứ Bảy, 28 Tháng Mười 2023
0/5 - (0 bình chọn)
NDĐT- “Đã đến lúc, tuy đã muộn, phải gióng tiếng chuông cảnh báo về hiện trạng các di tích thời đại kim khí Việt Nam đang bị xâm hại nặng nề, trong đó có văn hóa Đông Sơn và bản thân di tích Đông Sơn”, TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học bày tỏ, trong “Hội thảo 90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa”, tổ chức chiều 18-11, tại Bảo tàng Lịch sử Hà Nội. Nền văn hóa rực rỡ của người Việt cổ vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn trong công cuộc bảo tồn.

Muộn, vẫn phải kêu“Chúng ta cần có hành động gì khi những di vật, báu vật khảo cổ học Việt Nam, trong đó có văn hóa Đông Sơn, đang hàng ngày, hàng giờ thành món hàng trên các thương trường?”, TS Liêm bức xúc, “Cánh đồng trống có hàng trăm cái trống mà các trung tâm bảo tồn nghiên cứu đâu có thu về được bao nhiêu”.

TS Ngô Thế Phong (Bảo tàng lịch sử quốc gia) thì đau đáu trước việc thi thoảng Hải quan, Công an vẫn mời ông và các cộng sự đến để thu nhận những chiếc trống bị buôn bán trái phép về. Đấy là những chiếc trống được phát hiện, còn những hiện vật bị buôn bán trót lọt không ai biết thì càng không thể thống kê. “Mười năm, chúng tôi thu về 23 chiếc trống, đây là con số giật mình”, TS Phong cho hay.

Không chỉ mất mát các cổ vật, các di chỉ văn hóa cũng không dễ dàng tồn tại trong thời buổi hiện đại hóa hiện nay. Theo thống kê, trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến 2008, có 178 di tích Đông Sơn được phát hiện và nghiên cứu trên 22 địa phương (trong đó có 10 di tích cư trú, 31 di tích mộ táng, 6 di tích cư trú mộ táng, 2 di chỉ xưởng, 56 trống đồng, 69 địa điểm phát hiện lẻ tẻ. PGS, TS Lâm Mỹ Dung (Bảo tàng nhân học, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, Hà Nội có 3 di tích liên quan đến văn hóa Đông Sơn là, Đình Tràng (Đông Anh), Vườn Chuối (Hoài Đức) và Thành Dền (Mê Linh). Thế nhưng, ngoài Thành Dền còn được giữ gìn, khu vực Đình Chàng cũng gặp nhiều vướng mắc, khu vực Vườn Chuối thì bị hư hại quá nhiều. TS Dung hài hước: “Khu vực Vườn Chuối hiện đang thuộc một dự án khu đô thị mới. Cũng may là suy thoái kinh tế nên họ chưa có tiền xây dựng, chúng tôi vẫn có thời gian nghiên cứu”. Tuy nhiên, việc nghiên cứu một di chỉ quan trọng như Vườn Chuối hiện vẫn đang tiến hành trong lo âu bởi “chưa biết khi nào người ta có tiền xây khu đô thị”. Và nếu dự án đô thị mới tiến hành, một di chỉ tiêu biểu cho nền văn hóa tiền Đông Sơn và Đông Sơn sẽ bị biến mất. Những di chỉ văn hóa Đông Sơn khác cũng đều trong tình trạng báo động về bảo tồn, mặc dù chưa khu vực nào hoàn thành khai quật nghiên cứu.

Văn hóa Đông Sơn: Vẫn đợi không gian riêng

Khai quật di tích Đồng Đậu – Vĩnh Phúc năm 1967.

Ngót một thế kỷ, văn hóa Đông Sơn vẫn chưa có bảo tàng riêng

Số lượng hiện vật, tư liệu có được từ những cuộc khai quật, nghiên cứu văn hóa này hiện nay vô cùng phong phú. Nghiên cứu mới nhất về Đông Sơn năm 2014 là cuộc khai quật vị trí thành Nội và Hỏa Hồi (xóm Hương, Đông Anh, Hà Nội). Trong vòng 10 năm, người ta đã phát hiện được tổng số 64 trống đồng Đông Sơn trên phạm vi miền bắc Việt Nam, trong đó, 7 chiếc là trống đồng minh khí, 94 chiếc thạp đồng. Nhiều hiện vật trong số đó được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Nghiên cứu văn hóa Đông Sơn cũng là nghiên cứu hiếm hoi có được bản đồ phân bố các di chỉ tương đối đầy đủ. Theo đó, hiện nay có khoảng 48 di tích phân bố trên những địa hình có độ cao hoặc trên các núi ven biển, 14 di tích phân bố chủ yếu địa bàn của các văn hóa tiền Đông Sơn ở vùng đồng bằng cao của châu thổ, 67 di tích và cụm di tích phân bố đậm đặc tại các vùng đồng bằng thấp, vùng trũng ven theo các dòng sông và vùng đồng bằng ven biển.

Nhà nghiên cứu văn hoá Đông Sơn người Đức đang làm khuôn thực nghiệm đúc trống đồng tại cơ sở Lê Gia

Nhà nghiên cứu văn hoá Đông Sơn người Đức đang làm khuôn thực nghiệm đúc trống đồng tại “Đồ Đồng Lê Gia”

Với một lượng di chỉ đậm đặc, hiện vật phong phú, cùng với ý nghĩa quan trọng của nền văn hóa người Việt cổ, nhưng văn hóa Đông Sơn vẫn chưa hề có một bảo tàng riêng. TS Nguyễn Văn Đoàn (Bảo tàng lịch sử quốc gia) cho hay, riêng tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang giữ hơn 10.000 hiện vật về văn hóa Đông Sơn. Bảo tàng Thanh Hóa, cái nôi văn hóa Đông Sơn, cũng đang lưu giữ hàng nghìn hiện vật của văn hóa Đông Sơn. Tại di tích Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội), người dân khai quật được khá nhiều hiện vật, đang lưu giữ tại địa phương và đã nhiều lần bày tỏ mong muốn thành lập một nhà trưng bày riêng cho các hiện vật này. Thế nhưng, hiện nay vẫn chưa có một dự án chính thức nào cho việc thành lập Bảo tàng Văn hóa Đông Sơn.

 

Thực nghiệm đúc trống đồng.

TS Bùi Văn Liêm đầy tiếc nuối vì việc thực nghiệm đúc trống đồng Đông Sơn đã được thực hiện nhưng không nhiều người biết đến, bởi điều này chỉ có thể thực hiện trong một bảo tàng riêng cho văn hóa Đông Sơn; “Chúng ta có đủ tư liệu, từ phát hiện đầu tiên bên bờ lở sông Mã, những sưu tập của các nhà khảo cổ học Viện Viễn Đông bác cổ. Hay riêng bộ sưu tập trống đồng đã có thể đủ để làm nên một Bảo tàng Trống đồng Đông Sơn rồi. Cần kiến nghị các cấp có thẩm quyền lập nghiên cứu về Bảo tàng Văn hóa Đông Sơn”.

 Các nhà nghiên cứu Đông Sơn Đông Nam Á và Nhật Bản tham gia đúc thực nghiệm trống đồng tại cơ sở Đồ đồng Lê Gia

Sẽ là một ngậm ngùi không nhỏ, khi Đông Sơn có vị trí vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Đây là cơ sở vật chất cho việc hình thành nhà nước đầu tiên Văn Lang – Âu Lạc, là nền tảng cho sự hình thành bản sắc văn hóa Việt cổ cũng như văn minh Đại Việt sau này. Sức lan tỏa của Đông Sơn còn kéo dài trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, theo như đánh giá của bà Hoàng Thị Chiến (Giám đốc Bảo tàng Thanh Hóa, địa phương được xem là cái nôi): “Văn hóa Đông Sơn không bị đồng hóa, mà ngược lại, nó đã vững vàng tiếp thu văn hóa Hán, để rồi làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc”.

Một nền văn hóa có sức sống mãnh liệt, nhưng cách bảo tồn và quảng bá của con cháu thì vẫn chưa xứng tầm. TS Bùi Văn Liêm bỏ ngỏ rằng, kiến nghị về Bảo tàng Văn hóa Đông Sơn đã từng được đưa ra 10 năm trước, tại Hội thảo 80 năm phát hiện và nghiên cứu. Nào ai biết, khi 100 năm, chúng ta còn tiếp tục phải nói hay không?

Mai Nguyên

Để lại Đánh giá
Đánh giá*
Họ tên *
Email *
Bài viết mới
Chọn bài viết hiển thị
GỬI THÔNG TIN LIÊN HỆ CHO CHÚNG TÔI
DMCA.com Protection Status